Để phòng chữa tăng huyết áp, không nên ăn cà và dưa muối, không uống nước chè đặc mà thay bằng nước chè xanh, sữa đậu nành.
– Hạn chế muối ăn (natri clorid), giảm mì chính (natri glutamat). Lượng muối ăn và mì chính dưới 6 g mỗi ngày, người bị phù, suy tim ăn ít hơn 2-4 g.
– Bỏ thức ăn muối mặn như cà, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp….
– Ăn nhiều quả để có nhiều chất chống ôxy hóa, kali.
– Ăn nhiều chế phẩm từ đậu nành.
Chế độ ăn hợp lý giúp phòng, điều trị huyết áp. Ảnh: H.N. |
Hạn chế thức ăn có tác dụng kích thích thần kinh và tâm thần
– Bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc.
– Tăng thức ăn, nước uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như canh lá vông, ngó sen, chè sen vông…
Phân bố tỷ lệ thành phần thức ăn, thức uống hợp lý
Tổng nhu cầu năng lượng trong ngày 30-35 kcal trên mỗi kg thể trọng một ngày. Người thừa cân, béo phì có thể tính mức năng lượng theo mức BMI như sau:
BMI: 25-29,9, năng lượng cơ thể cần 1.500 kcal mỗi ngày.
BMI: 30-34,9, năng lượng bổ sung 1.200 kcal mỗi ngày.
BMI: 35-39,9, năng lượng đưa vào 1.000 kcal mỗi ngày.
BMI từ 40 trở lên, năng lượng cần thiết 800 kcal mỗi ngày.
– Đạm: Khoảng 12-15% năng lượng khẩu phần, nếu không bị suy thận. Dùng nhiều protein thực vật như đậu đỗ, nếu bị suy thận nên giảm 0,4-0,6 g trên mỗi kg cân nặng một ngày tùy theo mức độ suy thận.
– Ăn ít đường, bánh kẹo ngọt, tốt nhất là ăn chất bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ.
– Chất béo: 15-20% năng lượng khẩu phần. Ăn ít mỡ, bơ, tốt nhất dùng dầu từ cá, đậu nành, lạc vừng, dầu hướng dương. Người béo nên ăn ít dầu mỡ hơn. Bỏ thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, thận và ăn ít trứng.
– Chất khoáng, vi lượng, vitamin: Ăn đủ yếu tố vi lượng và vitamin, đặc biệt là vitamin C, E, A có nhiều trong rau, quả, giá, đậu đỗ và các vitamin nhóm B: B12, B6, acid folic.
– Thức uống: Nước chè xanh, chè sen vông, chè hoa hòe, sữa đậu nành, nước ngô luộc, nước rau luộc là thích hợp nhất vừa lợi tiểu an thần, vừa hạ huyết áp.